Việt Nam hiện có hơn 90% người có bệnh về răng miệng, trong đó hơn 85% trẻ em 6-8 tuổi có sâu răng sữa, còn sâu răng vĩnh viễn gia tăng theo tuổi.
GS, TS Trịnh Đình Hải, Giám đốc Bệnh viện Răng – Hàm – Mặt Trung ương.
Đây là thông tin được GS, TS Trịnh Đình Hải, Giám đốc Bệnh viện Răng – Hàm – Mặt Trung ương cho biết tại lễ phát động các hoạt động hưởng ứng “Ngày sức khỏe răng miệng thế giới 2019” diễn ra sáng 20-3.
Ở người cao tuổi và người trưởng thành, có hơn 80% người có sâu răng vĩnh viễn; hơn 60% trẻ em và hơn 80% người lớn có viêm lợi, viêm quanh lợi, viêm quanh răng; hơn 30% người trưởng thành trở lên có túi mủ bệnh lý quanh chân răng, làm cho răng lung lay và đây cũng là ổ nhiễm khuẩn lớn.
Ngoài ra, còn tỷ lệ rất cao (hơn 80%) thanh thiếu niên bị lệch lạc răng cần nắn chỉnh. Trong khi đó, tỷ lệ ung thư vùng miệng cũng thường gặp tại các cơ sở khám chữa bệnh về răng hàm mặt. Cùng với đó là mỗi năm có hàng ngàn trẻ bị khuyết tật hở môi vòm miệng được sinh ra.
Trong mấy thập niên vừa qua, bệnh viện Răng Hàm Mặt Trung ương Hà Nội và ngành răng hàm mặt Việt Nam đã rất quan tâm đến chương trình dự phòng bệnh răng miệng cho trẻ em. Chúng tôi triển khai chương trình nha học đường ở hầu hết 63 tỉnh thành trong cả nước. Chăm sóc răng miệng ban đầu cho trẻ em học đường rất tốt và bên cạnh đó có tuyên truyền chăm sóc răng miệng cho cộng đồng, nhất là vào dịp 20-3 – ngày sức khỏe răng miệng thế giới, phát động tháng chăm sóc sức khỏe răng miệng cho trẻ em và cộng đồng.
Ngày Sức khỏe răng miệng thế giới đã và đang được tổ chức ở 140 nước trên toàn thế giới. Tại Việt Nam, nhiều hoạt động kỷ niệm ngày này đã được diễn ra thiết thực. Trong đợt này, cũng đã có hơn 30 cơ sở răng hàm mặt ở Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, Huế và các tỉnh khác đăng ký khám, chữa và tuyên truyền chăm sóc sức khỏe răng miệng, có nơi tổ chức một tuần, có nơi tổ chức một tháng.
Vừa qua, Bệnh viện cũng tổ chức cho nhiều y bác sĩ đến các trường tiểu học Liên Minh ở Vĩnh Phúc, Hà Nội và một số địa điểm để khám và điều trị cho trẻ em ngay tại trường học. Tại đây, các bác sĩ đã khám và điều trị cho 1.738 trẻ, trong đó số trẻ sâu răng và có vấn đề về răng miệng chiếm tới 90%.
GS Hải cũng phân tích, yếu tố nguy cơ cao nhất liên quan đến sâu răng là đường. Mức tiêu thụ đường ở quốc gia liên quan mật thiết đến sâu răng. Nếu đất nước nào dùng nhiều đường thì tỷ lệ sâu răng rất cao.
Ở Việt Nam, đến nay tiêu thụ hơn 20kg đường/người/năm, tăng 1,5 lần với 10 năm trước đây (năm 2000 tiêu thụ 13kg/đường/người/năm). Điểm thứ hai là yếu tố vi lượng trong nước uống hàng ngày (chất flour), nếu thiếu thì sẽ không bảo vệ được men răng trước các yếu tố tấn công gây sâu răng. Khi ăn các nhóm glucid, thức ăn còn sót ở mặt răng hay kẽ chân răng sẽ chuyển hóa thành acid, nếu độ PH xuống dưới 5,5 là có thể hủy khoáng ở men răng, gây ra lỗ sâu. Nếu được cung cấp đủ flour sẽ làm men răng cứng, trơ trong môi trường acid, khi đó, chẳng may có đánh răng không sạch hay sót thức ăn thì cũng không có nguy cơ hủy khoáng để tạo thành lỗ sâu…
Là một bệnh viện đầu ngành về răng miệng, GS Hải cho biết, mỗi năm bệnh viện chỉ khám chữa bệnh cho khoảng hai trăm nghìn người. Cùng với các cơ sở y tế khác trên cả nước, chỉ phục vụ được khoảng 10 triệu người dân. Như vậy còn khoảng 80 triệu người dân nữa chưa được quan tâm và chăm sóc về răng miệng.
GS Hải cho biết, không thể nào mà có thể khám chữa theo nhu cầu của toàn cộng đồng được. Ngay cả trên thế giới, ở các nước giàu có cũng không đủ nhân lực, điều kiện để đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh cho toàn dân được. Chính vì vậy, quan trọng nhất là phải quan tâm đến dự phòng, dự phòng ngay từ lứa tuổi trẻ em. Nếu dự phòng tốt thì trẻ em có thể giữ được hàm răng tốt suốt đời, giảm được gánh nặng y tế cho gia đình và xã hội. Các bậc phụ huynh nên đưa con đến cơ sở nha khoa để khám định kỳ, phát hiện sớm, điều trị ngay giai đoạn đầu thì có thể giữ được hàm răng tốt./.